Tổng Bí thư Tô Lâm bày tỏ mong muốn, các trí thức, nhà khoa học phải là lực lượng nòng cốt để đưa Việt Nam đứng vào nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo; nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử; tối thiểu có 5 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các cường quốc công nghệ vào năm 2030
Sáng 30/12, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Hội nghị gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học toàn quốc.
Cùng dự Hội nghị có: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng; Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; các Bí thư Trung ương Đảng: Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh… cùng 200 đại biểu trí thức, nhà khoa học có nhiều thành tích, đóng góp, đang hoạt động trong các ngành, lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng, giáo dục và đào tạo trên toàn quốc.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Tổng Bí thư Tô Lâm điểm lại những đóng góp quan trọng của đội ngũ trí thức, nhà khoa học đối với sự phát triển của đất nước trên nhiều lĩnh vực. Có thể khẳng định, thành quả cách mạng, đặc biệt là thành tựu vĩ đại đạt được của đất nước sau 40 năm đổi mới có sự đóng góp đặc biệt quan trọng của đội ngũ trí thức, các nhà khoa học.
Bên cạnh những thành tựu, Tổng Bí thư cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc sử dụng, trọng dụng đội ngũ trí thức vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, cần khẩn trương khắc phục triệt để…
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, thế giới đang trong giai đoạn thay đổi có tính thời đại, trong đó, vai trò của đội ngũ trí thức, nhà khoa học có tầm quan trọng đặc biệt.
“Với thế và lực của đất nước sau 40 năm đổi mới, với thời cơ, vận hội mới, Đảng, Nhà nước, nhân dân đang kỳ vọng, mong chờ sự cống hiến, đóng góp ở quy mô, tầm mức mới, với những bứt phá mạnh mẽ của đội ngũ trí thức, nhà khoa học. Chỉ có khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo mới là con đường giúp chúng ta bắt kịp, tiến cùng, bứt phá và vượt lên chính chúng ta và thế giới”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Để đạt được mục tiêu này, Tổng Bí thư yêu cầu, về phía Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp, cần đổi mới mạnh mẽ việc đào tạo, tuyển chọn, sử dụng, trọng dụng trí thức, nhà khoa học.
Đối với nhiệm vụ này, cần bảo đảm việc thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới, đặc biệt là trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc mà chặng đường đầu là từ nay đến năm 2045.
Tổng Bí thư cho biết, ngay trong nửa đầu năm 2025 sẽ rà soát, đánh giá, ban hành Chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức trong trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo nội dung Nghị quyết số 45 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII nêu trên.
Bên cạnh đó, cần có các giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm đổi mới mạnh mẽ tư duy, nâng cao, thống nhất nhận thức trong các cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ trí thức trong tình hình mới, trước hết là người đứng đầu các ban, bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp; bảo đảm “thượng tôn pháp luật”, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về xây dựng đội ngũ trí thức. Ban Bí thư chỉ đạo các ban đảng và các cơ quan liên quan tham mưu, điều phối bảo đảm thực hiện hiệu quả các nội dung này.
Trong phát biểu của mình, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đề nghị đội ngũ trí thức, nhà khoa học nỗ lực thực hiện trách nhiệm, sứ mệnh của mình trong giai đoạn cách mạng mới, đóng góp cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược, đưa nước ta đến năm 2045 là nước phát triển, có thu nhập cao, sánh vai với các cường quốc năm châu. Nghiên cứu, tập trung sớm triển khai Nghị quyết số 57 ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị “Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia” như một nguồn cảm hứng, một động năng mới, một miền đất mới, bầu trời mới cho sáng tạo của giới trí thức, nhà khoa học.
Tổng Bí thư cũng bày tỏ mong muốn, các trí thức, nhà khoa học phải là lực lượng nòng cốt, là những người có “phép thuật” để đưa Việt Nam đứng vào nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo; nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử; tối thiểu có 5 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các cường quốc công nghệ vào năm 2030. Đến năm 2045, Việt Nam là một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới; thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; có hạ tầng công nghệ số tiên tiến, hiện đại, dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng ngang tầm các “đế chế công nghệ số”.
Tổng Bí thư đề nghị, đội ngũ trí thức, nhà khoa học cần ý thức sâu sắc trách nhiệm của trí thức, nhà khoa học trong giai đoạn cách mạng mới, trách nhiệm trong nâng tầm trí tuệ và sức mạnh dân tộc; trách nhiệm tự đào tạo, bồi dưỡng, giúp đỡ thế hệ trí thức ngày nay tiến bộ, đào tạo thêm trí thức mới, đội ngũ kế cận, tiên phong tạo ra sản phẩm tinh thần, vật chất chất lượng cao cho xã hội, tham gia phát triển kinh tế tri thức, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước, tạo động lực mạnh mẽ cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần định hình tương lai nhân loại và văn minh toàn cầu.
Đội ngũ trí thức, nhà khoa học phải trung thực với nhân dân, với Nhà nước, trung thực với chính bản thân mình, nỗ lực phấn đấu, trung thực trong khoa học và sáng tạo bằng khả năng và vượt khả năng của mình, thậm chí “vượt lên trên chính mình” nhằm phục vụ nhân dân và vì sự phồn vinh của đất nước; biết phản biện và dám phản biện một cách khoa học, có căn cứ và có lý lẽ vững vàng mang tính xây dựng.
“Hơn bao giờ hết, Đảng, Nhà nước, nhân dân đặt niềm tin tưởng và kỳ vọng rất lớn vào đội ngũ trí thức, nhà khoa học – những người tiên phong nòng cốt tạo ra sự đổi mới, bứt phá mạnh mẽ, tạo gia tốc cực đại cho mục tiêu phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong giai đoạn mới”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Đề xuất giao quyền tự chủ cao nhất cho những người làm khoa học
Tại hội nghị, các đại biểu trí thức, nhà khoa học đều bày tỏ sự phấn khởi và niềm tin sâu sắc đối với Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia mà Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành. Theo các nhà khọa học, cần nhanh chóng thể chế hóa, cụ thể hóa Nghị quyết 57 để tối đa hóa giá trị gia tăng trong chuỗi sản phẩm nhờ KH&CN và đổi mới sáng tạo.
GS. TSKH Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam bày tỏ ấn tượng về các chủ trương, đường lối chiến lược của Đảng thời gian gần đây. Việc nhanh chóng, kiên quyết thực hiện chống lãng phí và tinh gọn bộ máy, khởi động lại nhà máy điện hạt nhân, dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam là minh chứng cho “nói đi đôi với làm” của Đảng.
Là chuyên gia về nông nghiệp, GS. Trần Đình Long nhìn nhận ngành nông nghiệp nước ta năm qua đạt kết quả đáng khích lệ, kim ngạch xuất khẩu đạt 62 tỷ USD. Thời gian tới, chuyên gia này kiến nghị cần tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng trong hệ thống tổ chức của ngành nông nghiệp; thực hiện tốt 3 trụ cột chính quyền số, xã hội số, kinh tế số trong nông nghiệp. Ông cũng kiến nghị Nhà nước có khen thưởng xứng đáng đối với các sáng tạo nông nghiệp có chất lượng cao.
Còn TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam đề xuất có cơ chế quỹ và sử dụng các quỹ cho phát triển KH&CN. Ngoài ra, TS. Nguyễn Quân nhìn nhận, hiện nay các nhà khoa học đang phải đối diện với một vấn đề mà xã hội rất bức xúc, đó là nhiều đề tài nghiên cứu được nghiệm thu xuất sắc mà lại bị “bỏ ngăn kéo”, không được ứng dụng vào thực tiễn, nguyên nhân là do là việc định giá kết quả nghiên cứu để chuyển giao cho doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Quân, ở các nước phát triển, mặc định giao quyền sở hữu và quyền định giá ấy cho các nhà khoa học, tuy nhiên ở nước ta chưa cho phép điều đó.
“Tôi rất mong rằng sau Nghị quyết 57, chúng ta có thể giao quyền tự chủ cao nhất cho những người làm khoa học; họ được quyền sở hữu kết quả nghiên cứu và tự định giá trong quá trình chuyển giao công nghệ”, ông Quân cho biết.
Nguồn: https://www.most.gov.vn